Chi phí bán hàng là gì? 5 điều cần nắm rõ để tối ưu chi phí

Tào Tháo
Viết bằng trải nghiệm

Chi phí bán hàng là khái niệm cơ bản mà mọi chủ shop mới nên nắm rõ, nhằm có giải pháp thu hồi vốn nhanh nhưng vẫn đảm bảo phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Vậy chính xác chi phí bán hàng là gì? Hãy để bài viết sau giải đáp chi tiết cho bạn nhé!

Chi phí bán hàng là gì?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 91 của Thông tư 200/2014/TT-BTC, chi phí bán hàng là các khoản chi phí thực tế phát sinh trong quá trình bán sản phẩm, hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Những chi phí này bao gồm chi phí chào hàng, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo, hoa hồng bán hàng, chi phí bảo hành sản phẩm (không bao gồm hoạt động xây lắp), bảo quản, đóng gói và vận chuyển…

Hiểu đơn giản, chi phí bán hàng là tổng chi phí liên quan đến việc đưa sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ đến tay khách hàng. Để tối ưu hiệu quả kinh doanh, doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu chi phí bán hàng, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Chi phí bán hàng bao gồm những loại nào?

Căn cứ tại khoản 2, điều 91 thông tư 200/2014/TT-BTC Chi phí bán hàng được ghi nhận và phản ánh theo dõi qua Tài khoản 641 – Chi phí bán hàng, bao gồm các loại sau:

Chi phí nhân viên

  • Phản ánh các khoản phải trả cho nhân viên bán hàng, nhân viên đóng gói, vận chuyển, bảo quản sản phẩm, hàng hóa,… bao gồm tiền lương tiền ăn giữa ca, tiền công và các khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn,…

Chi phí vật liệu, bao bì

  • Phản ánh chi phí vật liệu, bao bì xuất dùng cho việc giữ gìn, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ, như chi phí vật liệu đóng gói sản phẩm, hàng hóa, chi phí vật liệu, nhiên liệu dùng cho bảo quản, bốc vác, vận chuyển sản phẩm, hàng hóa trong quá trình tiêu thụ, vật liệu dùng cho sửa chữa, bảo quản TSCĐ,… dùng cho các bộ phận bán hàng.

Chi phí dụng cụ, đồ dùng

  • Phản ánh chi phí về công cụ, dụng cụ phục vụ cho quá trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa như dụng cụ đo lường, phương tiện tính toán, phương tiện làm việc,…

Chi phí khấu hao TSCĐ

  • Phản ánh chi phí khấu hao TSCĐ ở bộ phận bảo quản, bán hàng như nhà kho, cửa hàng, bến bãi, phương tiện bốc dỡ, vận chuyển, phương tiện tính toán, đo lường, kiểm nghiệm chất lượng…

Chi phí bảo hành

  • Dùng để phản ánh khoản chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hóa.

    Lưu ý: Riêng chi phí sửa chữa và bảo hành công trình xây lắp phản ánh ở TK 627 “Chi phí sản xuất chung” mà không phản ánh ở TK này

Chi phí dịch vụ mua ngoài

  • Phản ánh các chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho bán hàng như chi phí thuê ngoài sửa chữa TSCĐ phục phụ trực tiếp cho khâu bán hàng, tiền thuê kho, thuê bãi, tiền thuê bốc vác, vận chuyển sản phẩm, hàng hóa đi bán, tiền trả hoa hồng cho đại lý bán hàng, cho đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu,…

Chi phí bằng tiền khác

  • Phản ánh các chi phí bằng tiền khác phát sinh trong khâu bán hàng ngoài các chi phí đã kể trên như chi phí tiếp khách ở bộ phận bán hàng chi phí giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, quảng cáo, chào hàng, chi phí hội nghị khách hàng…

Các câu hỏi thường gặp về chi phí bán hàng

Tại sao phải quản lý chi phí bán hàng?

Quản lý chi phí bán hàng là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận, tăng cường sức cạnh tranh bằng cách giảm giá thành, và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Bằng cách kiểm soát tốt chi phí bán hàng, doanh nghiệp có thể duy trì dòng tiền ổn định, nâng cao giá trị thương hiệu và tạo nền tảng phát triển bền vững trong dài hạn.

Làm thế nào để giảm chi phí bán hàng?

Các biện pháp tối ưu chi phí bán hàng gồm: tăng cường hiệu quả quảng cáo, cải thiện quản lý kho và vận chuyển, tối ưu nhân sự bán hàng, và đàm phán tốt hơn với nhà cung cấp dịch vụ thuê ngoài. Một số biện pháp có thể kể đến như:

  • Tối ưu quy trình và quản lý kho: Đơn giản hóa quy trình bán hàng, quản lý kho hiệu quả để giảm chi phí lưu kho và vận chuyển.
  • Tăng cường quảng cáo mục tiêu: Tập trung vào kênh quảng cáo có hiệu quả cao, giảm chi phí cho các kênh không mang lại lợi ích rõ rệt.
  • Đào tạo và tối ưu nhân sự bán hàng: Nâng cao kỹ năng đội ngũ bán hàng để tăng hiệu suất, giảm thời gian giao dịch và chi phí hoa hồng.
  • Đàm phán dịch vụ thuê ngoài: Đàm phán chi phí với các nhà cung cấp dịch vụ để đạt mức giá tốt nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Chi phí bán hàng có được tính vào giá vốn hàng bán không?

Chi phí bán hàng và giá vốn hàng bán là hai loại chi phí khác nhau. Giá vốn hàng bán bao gồm các chi phí liên quan trực tiếp đến sản xuất sản phẩm, như nguyên liệu, nhân công sản xuất, và chi phí sản xuất trực tiếp. Trong khi đó, chi phí bán hàng bao gồm các chi phí phát sinh trong quá trình bán và phân phối sản phẩm, chẳng hạn như quảng cáo, hoa hồng bán hàng, vận chuyển và chi phí bảo hành.

Làm thế nào để tối ưu chi phí bán hàng, giúp doanh nghiệp xây dựng chính sách giá bán hợp lý và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường luôn là vấn đề được quan tâm hiện nay.

Tin liên quan

Hỏi đáp(0 Bình luận)
Gửi bình luận