Quy trình viết bài chuẩn SEO đăng website

Tào Tháo
Viết bằng trải nghiệm
Viết bài chuẩn SEO là việc gần như bắt buộc với người làm marketing trên website. Vậy bạn cần biết những tiêu chuẩn gì, những kỹ thuật nào, và những kỹ năng cần thiết ra sao để đáp ứng được điều đó? Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết

 

 

 

Để bắt đầu, chúng ta cần nói qua một chút: chuẩn SEO là gì vậy? Biết nó là gì thì mới biết phải làm thế nào chứ, đúng không?

Chuẩn SEO là gì?

Bản chất của việc làm SEO là tối ưu hóa để website thân thiện với công cụ tìm kiếm, mà chủ yếu là Google. Do đó, chuẩn SEO được hiểu là những tiêu chuẩn cần áp dụng để được Google xếp hạng cao. Các chuẩn này liên quan đến việc thiết kế website thế nào, hình thức và bố cục ra sao, nội dung bài viết cần đáp ứng những tiêu chí gì… để đạt chuẩn. 

Thực tế thì Google áp dụng trên 200 tiêu chí để đánh giá các trang web. Trong đó chúng ta nên quan tâm áp dụng khoảng 20-30 tiêu chí trọng yếu nhất cũng đã là tốt rồi. Số còn lại thì để tham khảo, nếu chưa theo được thì nói chung cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Và bạn cũng cần lưu ý, việc áp dụng các chuẩn này mục đích không chỉ là phục vụ Google hay công cụ tìm kiếm nào đó. Để có kết quả bền vững, bạn phải cung cấp được nội dung hay cho người đọc. Nghĩa là làm SEO để tối ưu với máy, nhưng cần luôn nhớ rằng, con người mới thực sự là đối tượng cần thỏa mãn. Thuật toán của Google ngày càng thông minh, và có thể nhận biết tốt hơn những gì người dùng muốn tìm kiếm. Thân thiện với công cụ tìm kiếm, cũng là để làm hài lòng con người.

Bộ tiêu chuẩn xếp hạng của Google bao phủ nhiều phạm vi khác nhau liên quan đến: tên miền, website, webpage, đường link... Trong bài này, tôi chỉ tập trung vào cách áp dụng chuẩn SEO trong các bài viết, nghĩa là chỉ trong phạm vi trang con (page level) mà thôi, không mở rộng đến các cấp độ khác (domain, site level…). Phạm vi khác để dành cho bài viết khác.

Ở cấp độ bài viết, người làm SEO không thể bỏ qua những tiêu chí tối quan trọng, chẳng hạn như:

  • Vị trí xuất hiện từ khóa trong các thẻ meta, tiêu đề, đường link

  • Độ dài bài viết và mật độ từ khóa

  • Độ sâu của bài viết, và mức độ trùng lặp nội dung

  • Chất lượng của đường link: inbound và outbound

  • Tối ưu hóa ảnh chụp, video liên quan...

Cách viết bài chuẩn SEO như thế nào?

Dưới đây là 8 bước công việc chính giúp bạn có 1 bài viết chuẩn SEO:

  • Nghiên cứu và xác định từ khóa cần viết

  • Lập dàn ý nội dung cho bài viết

  • Bắt tay vào viết nháp

  • Bổ sung, chỉnh sửa

  • Đưa từ khóa vào những vị trí quan trọng

  • Tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện

  • Bổ sung ảnh, video, link… có liên quan

  • Upload bài viết lên web, tinh chỉnh để tối ưu

Chúng ta sẽ phân tích từng mục

Nghiên cứu và xác định từ khóa cần viết

Rõ ràng bài viết cần tập trung vào một chủ đề nào đó vừa tầm để có thể đảm bảo chất lượng content, cần nhắc lại ở đây: 

Nội dung là Vua

  • Vậy cần phải xác định 1 từ khóa phù hợp để làm từ khóa chính cho mỗi bài viết. Cùng với đó là một vài từ hoặc cụm từ khác có liên quan nhưng khác nhau 1 chút về câu chữ, gọi là từ khóa phụ.

  • Chẳng hạn: với từ khóa chính là “gậy chơi golf”, thì từ khóa phụ có thể là: gậy đánh golf, dụng cụ golf...

  • Khi viết nội dung trong những bước tiếp theo, bạn sẽ chủ yếu dùng từ khóa chính. Nhưng cũng có khi thay bằng từ khóa phụ để đa dạng hóa, tránh lặp từ, và đảm bảo phù hợp với văn cảnh.

Hướng dẫn phân tích từ khóa, phân nhóm và quản lý từ khóa

Vậy xác định từ khóa thế nào?

Tôi sẽ đi ngược lại một chút, vì việc xác định từ khóa nằm trong 1 bước tổng thể lớn hơn mà bạn cần thực hiện trước đó cho cả chiến dịch marketing online, hay chí ít là từ khi lập kế hoạch SEO rồi. Lúc đó, bạn đã phải thực hiện một số công

việc quan trọng như:

  • Xác định chủ đề chính của cả website. Ví dụ, trang web bạn đang muốn tối ưu hóa liên quan nhiều đến bán piano, kỹ thuật chơi, và dạy đàn, thì chủ đề chính sẽ xoay quanh đàn piano. Nếu chưa xác định được chủ đề chính, hoặc web chưa xây dựng xong, thì hãy bắt đầu với sản phẩm dịch vụ mà website muốn cung cấp để tìm manh mối.

  • Nghiên cứu kiến thức liên quan đến chủ đề chính đó. Nếu bạn đang làm việc trong lĩnh vực chuyên môn này, thì không cần phải nói gì thêm nữa. Nhưng nếu không, thì có thể lên Google để tìm hiểu kiến thức cơ bản về lĩnh vực này. Hiểu những khái niệm cơ bản, những cách thức, mẹo vặt, công cụ… có liên quan, sẽ giúp bạn tiếp cận nhanh chóng hơn, và có thể triển khai những bước tiếp.

  • Tìm những từ khóa liên quan, đang được nhiều người tìm kiếm (xác định “nhu cầu”). Bạn cần sử dụng một số công cụ như Keyword Planner (chuyên dùng khi chạy quảng cáo Google Ads) trong bước này.

  • Tìm hiểu và phân tích website của đối thủ… xem chất lượng và thứ hạng của trang web đó, cũng như chất lượng bài viết liên quan, thương hiệu của đối thủ… như thế nào. Bước này là xác định “nguồn cung” thông tin.

  • Bạn có thể đánh giá bằng các công cụ như Alexa rank, PA & DA.

  • Sắp xếp các từ khóa theo nhóm liên quan, từ đó xây dựng được bộ từ khóa đầy đủ cho toàn chiến dịch SEO.

  • Nếu chưa biết cách làm, thì bạn có thể muốn tham khảo bài viết về Cách tìm bộ từ khóa SEO.

Rồi, giờ giả sử bạn đã biết được từ khóa muốn viết (trong bộ từ tôi vừa nêu), việc tiếp theo là...

Lập dàn ý nội dung cho bài viết

  • Về cơ bản thì cũng như bài tập làm văn thời học phổ thông, mà chắc bạn và tôi đều đã học qua. Bài viết thì cần có mở bài thân bài kết luận. Dàn ý là làm chi tiết phần thân bài. Cần tập trung vào những ý chính xoay quanh chủ đề bài viết, chính là từ khóa trung tâm.

  • Chẳng hạn bài viết cho từ khóa “đàn piano cũ”, thì dàn ý có thể gồm những ý chính như:

    • Có nên mua đàn piano cũ không?

    • Dùng đàn cũ cần lưu ý gì?

  • Bạn thử để ý với người muốn mua chiếc dương cầm cũ thì họ quan tâm đến những vấn đề gì. Từ đó sẽ chọn những nội dung xoay quanh giải quyết những vấn đề đó. Bắt đầu từ người đọc muốn gì, bạn sẽ tìm được một dàn ý phù hợp.

Hướng dẫn chi tiết cách lập dàn ý nội dung bài viết.

Bắt tay vào viết nháp

  • Sau khi có một vài ý chính, bạn cứ mạnh dạn bắt đầu viết, cho dù bạn thấy dàn ý chưa được hoàn thiện. Bạn sẽ bổ xung trong quá trình làm cũng chưa muộn.

  • Trong trường hợp tệ hơn mà nhiều người gặp phải, nhất là khi viết cho từ khóa lạ và khó: người viết bị “bí” ý tưởng, không biết bắt đầu từ đâu. Mọi thứ tắc tị.

  • Lời khuyên là, nếu khó quá thì tạm để lại, chọn từ khóa khác dễ hơn để làm trước. Còn nếu bắt buộc phải viết (sếp giao chẳng hạn), thì bạn dành thêm 1 khoảng thời gian để tìm hiểu và tư duy thêm. Sau đó, cứ mạnh dạn gõ phím: gõ bất cứ thứ gì xuất hiện trong đầu lúc đó, không cần kiểm soát hay đánh giá gì ở bước này. Khi đã có 1 vài dòng, những ý tưởng khác sẽ bắt đầu hiện ra. Và bạn sẽ thấy dễ dàng hơn nhiều. Đúng theo kiểu “đầu xuôi đuôi lọt”. Đây là kinh nghiệm mà tôi đã áp dụng trong nhiều năm qua, với từ khóa trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

  • Vậy bạn cứ mạnh dạn bắt tay vào viết, và dần dần sẽ cơ bản xong bài viết thô ban đầu, xung quanh dàn ý mà mình đã lập ra. Tất nhiên, thời gian nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào kỹ năng viết và kiến thức của bạn trong lĩnh vực cụ thể đó.

Bổ sung, chỉnh sửa

  • Viết nháp xong rồi thì còn phải sửa chữa, bổ sung. Đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần bạn sẽ thấy có chỗ cần điều chỉnh, có thể là thêm bớt nội dung, có thể là diễn giải cho rõ ý, hay cũng có thể là sửa những lỗi nhỏ lặt vặt.

  • Về độ dài, bài viết nên trên 500 từ. Nếu có thể, thì nên cố gắng viết khoảng 1500-2000 từ thì càng hiệu quả. Dài hay ngắn vẫn phải đảm bảo nội dung có chất lượng.

  • Phần này khá mất thời gian. Nhưng khi xong, bạn sẽ có 1 bài viết gần như hoàn chỉnh, và về cơ bản đã có thể dùng được, chí ít là về mặt nội dung.

Chèn từ khóa vào những vị trí quan trọng

  • Bước này cần áp dụng kỹ thuật SEO. Giờ bạn đếm xem trong bài viết của mình có tất cả bao nhiêu từ. Trong đó, từ khóa cần viết được lặp lại bao nhiêu lần. Tần suất lặp lại không đủ hoặc quá nhiều thì đều không tốt.

  • Nếu mức độ lặp lại ít quá, cả Google và người đọc khó nhận biết được tiêu điểm mà bạn đang hướng tới. Nhưng nếu “nhai lại” quá nhiều, người đọc sẽ thấy chán, và Google sẽ coi là bạn đang spam. Cả 2 trường hợp tôi vừa nêu đều không có lợi (không chuẩn SEO), và bạn nên điều chỉnh tần suất lặp lại từ khóa phù hợp.

Dưới đây là con số ước tính, và cũng là những gì tôi kiểm nghiệm trong nhiều năm viết bài:

  • Số lần lặp lại từ khóa: khoảng 1 lần/100-150 từ. Có thể dùng từ khóa cùng nghĩa cho phù hợp văn cảnh.

  • Từ khóa cần xuất hiện trong những vị trí sau:

    • Tiêu đề bài viết (cần để trong thẻ H1), và 1-2 tiêu đề phụ (thẻ H2, H3…)

    • Trong đoạn đầu của nội dung chính, tốt nhất là nằm trong 90 ký tự đầu tiên, và càng gần đầu thì càng tốt.

    • Trong đường link đến website khác, hoặc link nội bộ đến bài viết khác.

    • Cần lưu ý, khi bổ sung từ khóa vào bài, cần đảm bảo tính tự nhiên của mạch văn. Và nếu đưa từ khóa chính mà đọc

    • thấy “sượng” quá bạn có thể thay thế bằng từ khóa phụ nếu thấy cần.

Tiếp tục chỉnh sửa, gọt giũa để hoàn thiện

  • Đến đây thì bài viết của bạn chắc cũng đã hòm hòm rồi. Giờ là lúc “tút tát” lại cho hoàn chỉnh. Nguyên tắc là đọc lại và bổ sung chỉnh sửa lần cuối câu từ, sao cho bản thân mình cũng phải thấy hài lòng, thấy “phê” với tác phẩm của mình.

  • Nếu có thời gian, thì bạn có thể để qua ngày hôm sau, đọc lại rồi sửa. Dừng lại một khoảng thời gian để tạm quên đi, sau đó khi đọc lại bạn sẽ rất dễ phát hiện ra một vài chi tiết cần tu chỉnh, mà trước đó bạn không thể tìm ra. Fix lại những chi tiết này.

Giờ thì câu chữ đã ổn rồi, thêm 1 bước nữa là bạn có thể đăng bài lên website.

Bổ sung ảnh, video, link… có liên quan

  • Ảnh chụp, video clip cũng là nội dung. Chẳng phải có câu “1 bức tranh bằng nghìn lời nói” đó sao. Vì thế bạn cần lựa hình sao cho đẹp, cho hấp dẫn, cho “đắt”.

  • Tốt nhất là bạn sử dụng ảnh tự chụp, hoặc ảnh có bản quyền. Sau đó cân chỉnh cho vừa ý. Rồi chèn vào vị trí phù hợp nhất trong bài viết, kèm theo chú thích đi kèm. Lưu ý: nên đặt tên file trùng với từ khóa không dấu, các từ cách nhau bằng dấu gạch ngang, chẳng hạn như: mua-dan-piano-yamaha.jpg

  • Ngoài ra, bạn cũng xác định sẽ đặt đường link tại vị trí nào, cho cụm từ nào, đến trang nào… Có thể chỉ gần gạch chân để đánh dấu, khi đăng bài ở bước tiếp rồi mới bổ sung link cụ thể cũng được.

Upload bài viết lên web, tinh chỉnh để tối ưu

  • Sau nhiều vất vả, bạn có thể hài lòng ở bước này. Giờ là lúc đưa tác phẩm của mình lên sóng.

Tùy trường hợp cụ thể, mà bạn có thể trực tiếp đăng bài, hay chuyển cho người khác làm.

  • Nếu bạn tự làm, thì cũng đơn giản. Trước hết bạn copy nội dung bài và dán ra Notepad (trên Window có sẵn) để loại bỏ định dạng ban đầu. Sau đó, đăng nhập vào trang quản trị website của bạn, mở phần nhập bài viết mới và việc cần làm là Copy từ Notepad và dán vào những chỗ phù hợp.

  • Mỗi trang quản trị mỗi khác, tôi không thể mô tả chính xác được hết các bước. Tựu chung sẽ có một số việc phải làm:

    • Nhập các thẻ quan trọng như title, meta description, meta keyword có chứa từ khóa

    • Nhập tựa đề bài viết (Heading). Tiêu đề phải chứa từ khóa, và cần hấp dẫn người đọc.

    • Nhập nội dung bài viết, định dạng in đậm, in nghiêng... những chỗ cần thiết

  • Khi đăng xong, vẫn cần đọc lại 1 lần, để đảm bảo không có những lỗi chính tả. Hãy thử đặt mình vào vai khách ghé thăm xem bài viết đã thực sự ổn chưa. Ở bước này bạn vẫn có thể chỉnh sửa nội dung, nếu thấy cần. Còn nếu thấy ưng ý rồi thì xin chúc mừng! Bạn đã vừa hoàn tất 1 bài viết chuẩn SEO, và (hy vọng rằng) cũng chuẩn với người đọc.

Trên đây, tôi đã trao đổi hết những bước cần thực hiện để viết bài. Để dễ theo dõi và rà soát lại, tôi sẽ nêu lại những ý

chính, chỉ liên quan đến SEO để bạn dễ tra cứu.

Những điểm quan trọng để viết bài chuẩn SEO

  • Từ khóa chính phải xuất hiện trong thẻ meta, tiêu đề chính (1 lần), tiêu đề phụ (1-2 lần), đầu nội dung (1 lần), đường link (1-2 lần).

  • Số lần lặp lại từ khóa chính: 1 lần / 100 từ, phân bổ hợp lý tự nhiên. Nên xem xét bổ sung khóa phụ vào những vị trí thích hợp.

  • Bôi đậm hoặc in nghiêng những câu từ quan trọng và cần nhấn mạnh. Trong đó nên có từ khóa, nếu có thể.

  • Không nên gạch chân, vì người đọc dễ nhầm với đường link.

  • Đặt đường link đến bài viết khác có liên quan, nếu thấy phù hợp. Tương tự, đặt 1-2 đường link đến bài viết có nội dung chất lượng trên website khác, có thể cân nhắc chọn thuộc tính “follow” hoặc “nofollow”.

  • Minh họa nội dung bằng một vài tấm ảnh đẹp, trong đó để tên file ảnh chứa từ khóa không dấu. Điền từ khóa chính vào trong thuộc tính “Alt” khi đăng ảnh lên web.

  • Vậy là xong những gì liên quan đến chuẩn SEO cho bài viết. Lý thuyết cũng chỉ là thế, chỉ là áp dụng thế nào mà thôi.

  • Thêm một lần nữa chúng ta cần ghi nhớ: con người mới thực sự là đối tượng đọc bài viết. Vậy viết sao cho độc giả thấy hay, thấy thích là đạt yêu cầu. SEO chỉ là công cụ để giúp Google nhận biết bài viết có chất lượng mà thôi. Hãy luôn lưu tâm “Content is king”, và bạn sẽ không thể sai.

 

 

 

Tin liên quan

Hỏi đáp(0 Bình luận)
Gửi bình luận